Friday, 19/04/2024 - 15:46|
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bài tuyên truyền ngày sách hội đọc sách và phát triển văn hóa đọc

Kính thưa: Quý thầy giáo, cô giáo ! Các bạn học sinh thân mến !

Hòa cùng không khí vui tươi phẩn khởi chào mừng ngày sách Việt Nam 21/4, em muốn gửi tới quý thầy cô cùng toàn thể các bạn học sinh thông điệp về sách…

Trong đời sống của mỗi chúng ta, sách là sản phẩm văn hóa tinh thần, là kho tàng tri thức đóng vai trò rất quan trọng, là người thầy vĩ đại thắp sáng trong mỗi chúng ta nguồn tri thức vô tận. Dạy cho chúng ta cách sống, cách làm người, hướng tới những giá trị nhân văn cao cả. Có thể nói sách là những người bạn gần gũi chia sẻ mọi niềm vui, nỗi buồn của mỗi người. Và đọc sách đã trở thành một nhu cầu cần thiết không thể thiếu của mỗi con người. Ở thời đại nào, con người cũng lấy việc học, và đọc sách là một trong những phương cách để hoàn thiện nhân cách con người, để tiến bộ trong cuộc sống cá nhân và đóng góp vào sự phát triển chung của xã hội. Cha ông ta đã coi việc đọc sách là một hành vi văn hóa cao đẹp. Từ đọc sách, sưu tầm sách, xây dựng tủ sách, thư viện là một phần của việc hình thành văn hóa đọc. Văn hóa đọc là một trong những nguồn năng lượng quan trọng thúc đẩy sự phát triển bền vững.

Nhận thấy tầm quan trọng của văn hóa đọc, ngày 24/02/2014, Thủ tướng Chính Phủ đã ký Quyết định số: 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hàng năm là ngày Sách Việt Nam nhằm khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, nâng cao nhận thức của nhân dân về ý nghĩa to lớn và tầm quan trọng của việc đọc sách đối với việc phát triển kiến thức, kỹ năng và phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người.

Ngày Sách Việt Nam là sự kiện văn hóa quan trọng là dịp để tôn vinh giá trị của sách, khẳng định vị trí, vai trò và tầm quan trọng của sách trong đời sống xã hội. Tôn vinh người đọc và những người tham gia sưu tầm, sáng tác, xuất bản, in, phát hành, lưu giữ sách. Đồng thời, nó còn góp phần quan trọng trong việc nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành đối với việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc ở Việt Nam.

Ngày 21/4 là ngày Sách Việt Nam ngày này còn ý nghĩa rất quan trọng đó là thời điểm ra mắt quyển sách “Đường Kách Mệnh” của Chủ tịch Hồ Chí Minh - tác phẩm đầu tiên bằng tiếng Việt được in bởi những người thợ in Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tác giả lớn, một Danh nhân văn hóa, các tác phẩm của Người có giá trị không chỉ đối với người dân Việt Nam mà còn được bạn bè quốc tế đón nhận. Việc chọn ngày Sách Việt Nam gắn với một tác phẩm nổi tiếng của Người sẽ có ý nghĩa văn hóa sâu sắc. Bên cạnh đó, tháng 4 còn là thời điểm diễn ra Ngày sách và Bản quyền Thế giới (23/4), nhằm tôn vinh văn hóa đọc, khuyến khích mọi người dân thế giới khám phá niềm yêu thích đọc sách. Việc tổ chức ngày Sách Việt Nam vào dịp này thể hiện sự hội nhập của văn hóa đọc Việt Nam với văn hóa nhân loại, sẽ hấp dẫn và lôi cuốn độc giả.

Khẳng định giá trị, vị trí, tầm quan trọng của sách trong đời sống xã hội, đồng thời phát triển văn hoá đọc trong mọi tầng lớp xã hội. Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đồng Tháp ban hành Kế hoạch số: 43/KH-SGDĐT ngày 12/4/2022 của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đồng Tháp về việc tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2022.  Trường THPT Lấp Vò 3 đẩy mạnh các hoạt động thông tin tuyên truyền về Ngày Sách Việt Nam. Qua bài tuyên truyền "Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam” này em mong quý thầy giáo, cô giáo, cùng toàn thể các bạn học sinh hãy chung tay góp sức biến “Ngày sách Việt Nam” thành “Ngày hội đọc sách” góp phần nâng cao kiến thức và kỹ năng phát triển tư duy.

Một lần nữa em mong muốn quý bạn đọc hãy đến với thư viện Trường THPT Lấp Vò 3 để đọc sách tại thư viện nhà trường, hành động đó thể hiện sự hưởng ứng và thực hiện “Ngày sách Việt Nam 21/4”. Quý thầy cô và các bạn có thể Quyên góp: Sách giáo khoa, sách tham khảo, sách thiếu nhi, các loại sách khác… để ủng hộ cho Thư viện nhà trường, làm phong phú thêm kho sách của thư viện.

Thông điệp em muốn nói là “Hãy đọc sách và chia sẻ tri thức từ sách đến mọi người”.

Em xin chân thành cảm ơn !.

 

                                                                                   Nhóm cộng tác viên thư viện


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết